Chim Việt Cành Nam          [  Trở Về   ]
Khoa Cử Việt Nam - THI HƯƠNG
-
Phần Thứ Hai - Chuẩn Bị
-
Chương Ba

 CÁC THỂ VĂN TRƯỜNG THI
-
Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Ngoài ba môn thi chính là kinh nghĩa, thơ phúvăn sách, các thí sinh có khi còn phải thi những môn khác như chiếu, chế, biểu vv., mỗi môn có một lối làm văn riêng.
 
I - KINH NGHĨA

Kinh nghĩa là giải thích rộng ra những chỗ uẩn súc trong một câu kinh sách mà quan trường chọn làm đầu đề, phải phát minh những ý nghĩa còn nghi hoặc trong sách để làm cho nghĩa Kinh thêm sáng tỏ. Mục đích là để xem học trò có thuộc và hiểu rõ Kinh Truyện hay không ?

Kinh nghĩa thường được chọn làm kỳ thi đầu tiên trong một khoa. Thời nhà Nguyễn, mỗi kỳ thi Kinh nghĩa có tới 5,7 hay 10,12 đề, học trò được tùy ý lựa chọn :

- hoặc Chuyên Kinh, chỉ cần làm 1 bài Kinh, 1 bài Truyện ;

- hoặc Kiêm trị / Kiêm Kinh là làm tất cả mọi đề, chỉ những người giỏi mới dám làm.

A - Ở Trung quốc :

Ðại khái đời Tống (thế kỷ X-XIII), làm kinh nghĩa viết đối nhau hay văn xuôi đều được, từ thế kỷ XV, đời Minh, lối Bát cổ thông dụng nhất trong trường thi.

Bát = 8, cổ = bắp vế. Bát cổ là lối văn 8 đoạn, ở những đoạn 4, 5, 6, 7 đều có 2 vế đối nhau, tổng số là 8 vế. Cũng gọi là văn biền ngẫu = có đối mà không có vần (biền = 2 con ngựa chạy song đôi).

Quy tắc bố cục văn Bát cổ :

1 - Phá đề : giải nghĩa đầu bài (lời của mình).

2 - Thừa đề : bắt đầu vào lời người xưa nói.

3 - Khởi giảng : đại ý của đề mục.

4 - Tiền cổ : vào bài, phải có hai vế đối nhau.

5 - Trung cổ : thích thực rõ nghĩa đầu bài, hai vế đối nhau.

6 - Hậu cổ : tán rộng nghĩa đầu bài, hai vế đối nhau.

7 - Kết cổ / Thái cổ = tóm tắt các ý trên, hai vế đối nhau.

8 - Thúc đề : thắt chặt đầu bài (1).

B - Ở Việt-Nam :

Theo Chu Thiên, có tới 15 lối ra đề và làm bài. Thí dụ :

Lối Tiệt thượng thì mạch lý đều ở phần trên câu văn mà phần trên lại đem cất bỏ đi. Phép làm văn luôn luôn nghĩ đến phần trên.

Lối Tiệt hạ là đầu đề bỏ đoạn dưới, ý trong đề phải hợp với đoạn dưới ấy.

Lối Lư"ng phiến (nghĩa là "hai cái quạt") : đề có hai câu đối nhau, bài chia làm hai vế đều nhau.

Lối Tam phiến là bố cục làm ba phần.

Lối Tỉ hứng là đem ví dụ mà gợi hứng, chỉ vào việc gì.

Lối Hư mạo là nêu cái hư lên, tìm tinh thần ở câu dưới nhưng không chương ra rõ ràng quá (2) vv.

1 - Thời Hậu Lê :

- Về nội dung : Kinh học là cơ sở đào tạo tư tưởng cùng một khuôn, tư tưởng cá biệt không những không cần mà còn bị coi là có hại vì không thống nhất. Ít ra từ đời Lê Trung Hưng, làm bài phải chú giải theo nghĩa rộng (đại chú) và theo ý kiến của tiên nho chứ không được cầu kỳ làm mới ra. Học trò chỉ học chú thích, nhớ nghĩa là đủ, khác với lối học "Minh Kinh" thuở xưa.

Năm 1780, Nhữ Công Chân còn đem những bài "đại chú", "tiểu chú" chắp nối thành một bài mẫu, niêm yết ngoài phủ đường. Thể văn vụn vặt phù hoa.

- Về hình thức : Năm 1728, Tham tụng Nguyễn Công Hãng cho rằng lối học kinh nghĩa trước chỉ rập theo khuôn sáo cũ, nếu dùng lối văn Bát cổ thì có thể thu người có tài lạ.

2 - Thời nhà Nguyễn :

- Ðầu đề trích lời của người nào thì làm bài phải giả giọng người ấy mà diễn giảng sao cho đúng ý cổ nhân, không được bầy tỏ ý kiến riêng.

Tuy nhiên, năm Minh-Mệnh thứ 18, vua phán :"Khảo quan phần nhiều căn cứ vào việc dẫn những câu sẵn, chữ sẵn trong sách thì khen, như thế học trò chỉ ghi nhớ văn tự trong sách thôi. Làm văn phải phát minh ý đầu bài, phô diễn ý riêng của mình, tại sao lại phải câu nệ dẫn chữ trong sách ?" (3).

- Năm 1832 định lệ bài làm phải từ 250 chữ trở lên.

- Nhận xét về văn Bát cổ :

Ở Trung quốc, vua nhà Thanh từng phê bình lối văn Bát cổ là "không quan thiết gì đến phép trị thế" song ở Việt-Nam nhìều người vẫn thích :

Nguyễn Công Hãng cho rằng nhờ văn Bát cổ có thể thu được những người có tài lạ.

Phạm Ðình Hổ nhận định :"Không phải người học quán xuyến cả Kinh Truyện thì không thể hạ bút viết được lối ấy" (lối Bát cổ ).

Minh-Mệnh thì truyền cho bộ Lễ thông tư đến các Giáo-thụ, Huấn-đạo "từ nay nên học tập lối văn Bát cổ chế nghĩa, lời văn phong phú tươi đẹp" (4).
 
 

II - THƠ PHÚ

A - THƠ

Ðề mục : lấy trong kinh sử và định rõ vần phải gieo.

Thể thơ : có hai loại là Cổ phong Ðường luật.

1- Cổ phong / Cổ thể

Có từ trước đời Ðường.

Thơ cổ phong không có quy tắc nhất định về niêm luật bằng trắc, đối chọi, hay vần.

Ðộc vận là chỉ có một vần ;

Liên vận là có nhiều vần nối tiếp nhau : có thể độ 2 câu, 4 câu hay 6 câu lại đổi sang vần khác.

Số "câu" trong bài không hạn định. Thí dụ :

Tứ tuyệt có 4 câu ;

Bát cú có 8 câu ;

Hành hay Trường thiên là loại thơ dài quá 8 câu vv.

Số "chữ" trong một câu cũng không hạn định :

Ngũ ngôn có 5 chữ ;

Thất ngôn có 7 chữ.

2 - Ðường luật / Cận thể

Thơ Ðường luật hay "thất ngôn bát cú" là loại thơ gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ, đặt ra từ đời Ðường, có niêm luật, bố cục nhất định.

a - Bố cục

Câu 1 : phá đề

Câu 2 : thừa đề ;

Câu 3 và 4 : thích thực

Câu 5 và 6 : tổng luận

Câu 7 và 8 : kết thúc.

b - Niêm nghĩa là dính, là sự liên lạc về âm luật của hai câu thơ : khi nào chữ thứ 2 của hai câu cùng vần bằng (không có dấu hay có dấu huyền) hay cùng vần trắc (có dấu sắc, hỏi, ngã, hay nặng) là có niêm. Không theo đúng thì gọi là thất niêm. Trong 8 câu thì :

Câu 1 phải niêm với câu 8

Câu 2 niêm với câu 3

Câu 4 niêm với câu 5

Câu 6 niêm với câu 7.

c - Luật bằng trắc :

Thể bằng bắt đầu bằng 2 chữ vần bằng ;

Thể trắc bắt đầu bằng 2 chữ vần trắc. Sai gọi là "thất luật".

d - Ðối chọi. Trong bài :

Câu 3 phải đối với câu 4 ;

Câu 5 phải đốivới câu 6.

Ðối ý là tìm 2 chữ có ý nghĩa đối chọi nhau như trắng / đen.

Ðối thể loại phải tìm 2 chữ cùng một thể loại như danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ. Thí dụ : trai / gái hay đứng / ngồi.

Ðối thanh âm là chữ vần bằng phải đối với chữ có vần trắc, thí dụ : sông / núi.

e - Vần. Vần gieo ở cuối câu đầu và các câu chẵn phải cùng một vần. Vần bằng được dùng thường hơn. Thí dụ "Chiều hôm nhớ nhà" của bà Huyện Thanh Quan :

1 - Bước tới chiều hôm bóng xế tà,

2 - Cỏ cây xen đá, lá chen hoa,

3 - Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

4 - Lác đác bên sông, chợ mấy nhà...

- Nhận xét về thơ Ðường :

Từ đời Ðường phép thi mới lấy thơ làm trọng, những luật lệ làm thơ ấy trở thành quy thức sáng tác cho các thi sĩ đời Ðường là một thành quả bất ngờ của chế độ Khoa cử.

Ở Việt-Nam, từ đầu đời Lê về trước, ý ra đầu bài còn phảng phất cổ nhân đời Hán Ðường, đời Lý, Trần, súc tích, già dặn, trong trẻo.

Từ Lê Trung Hưng về sau chuyên dùng lối thất ngôn bát cú, niêm luật bó buộc, ra vần ngặt nghèo. Thời Nguyễn, năm 1829, kỳ tam trường thi thơ phú, hễ sai vần là bị đánh hỏng. Vua thấy thế dụ bộ Lễ :"Học vần phải ghi nhớ rất khó, sai một vần là không hợp cách, bị truất. Khi đặt câu ghép vần chưa chắc đã ổn, nhân thế ý nghĩ mơ hồ, ví thử có tứ hay cũng không phát triển vào đâu được (...) như thế không đúng với ý triều đình cất nhắc nhân tài. Từ nay xem vần thơ nào dùng thì sai người sao chép ra và niêm yết để tiện cho học trò làm bài" (5).

B - PHÚ

Khuất Nguyên (cuối thế kỷ thứ IV, đầu thế kỷ thứ III tr. TL) người nước Sở, bị gian thần dèm pha phải đầy đi Giang-nam, làm thơ tỏ nỗi lòng và mong vua hồi tâm, đến khi hết hi vọng, bèn đâm đầu xuống sông Mịch-la. Khuất Nguyên lưu lại tập Sở từ gồm nhiều thiên, hay nhất là thiên Ly tao.

Phú thoát thai từ Sở từ, rất thịnh từ đời Hán (6). Phú là phô diễn, mô tả cảnh vật, tính tình, phong tục... nói thẳng ngay vào việc muốn nói, không dùng tỉ dụ. Câu đặt mấy chữ cũng được nhưng hai câu liền nhau phải đối nhau. Tuân Tử viết "Phú vốn là phép hành văn nói thẳng điều gì muốn nói, sau dùng để tả cảnh vật, tâm sự một cách du dương, diễm lệ, đôi khi có đối, có vần". Theo Lê Quý Ðôn, những thể phú thường dùng đời Trần là thể Ly tao hay Văn tuyển (7). Ðời Hồng-đức hay đùng thể Lý Bạch song quan đối nhau, 4 vần bằng xen kẽ 4 vần trắc. Thời nhà Nguyễn, từ 1832 dùng phú luật theo thể chế nhà Tống.

1 - Lối ra đề làm phú. Vài lối hay dùng để ra đề mục xưa kia :

a - Lối bài luật : không hạn định chỉ 8 câu. Câu đầu không vần rồi cứ mỗi vần phải 2 câu, từng đôi, có luật.

b - Lối phú đắc : lấy một câu trong kinh sử, thi ca cổ nhân làm đề, có hạn vần. Thí dụ :"Phú đắc Việt điểu sào Nam chi ", đắc "sào" (bài phú "Chim Việt đậu cành Nam", lấy vần "sào").

Ðầu bài chỉ định những chữ phải dùng làm vần. Thí dụ :"Ôn cố tri tân phú, Ri đề tự vi vận" (= lấy chữ đầu đề làm vần) là trong đề có mấy chữ thì dùng từng ấy vần, ở đây dùng 4 chữ "ôn, cố, tri, tân" làm vần ; nếu đề là "Ri đề vi vận" (= lấy đề làm vần) thì lấy tất cả những chữ trong đề làm vần, tức là phải tính cả chữ "phú", thành 5 vần (8).

2 - Thể loại. Phú có 2 thể :

a- Phú cổ thể phát sinh từ cuối đời Chiến quốc, đến nhà Hán rất thịnh hành ; chỉ vụ lời đẹp, đọc kêu, ít có sinh khí. Ðến thời Nam Bắc Lư"ng triều thì phương Nam phát sinh tư tưởng yếm thế, lãng mạn, lối văn biền ngẫu rất thịnh hành, người ta chỉ cần hoa mỹ, không cần chú trọng đến đạo đức. Ðào Tiềm là thi nhân lỗi lạc nhất. Ðời Thịnh Ðường, phong trào phục cổ nổi lên, bài xích phong trào ủy mị. Châm ngôn của Hàn Dũ là "văn dĩ tái đạo" nghĩa là dùng văn để chở đạo lý (9).

Phú cổ thể chia làm 2 loại :

- Thể Ly tao : "Ly tao" là bài thơ nổi tiếng của Khuất Nguyên, viết để mong vua hồi tâm nghĩ lại. Ðây là bài thơ dài đầu tiên ở Trung quốc, văn bóng bẩy, tình cảm sâu.

- Thể Văn tuyển : Lối văn trong tập Chiêu Minh Văn Tập của Thái tử Lương Duy Ma đời Lương soạn (10).

b - Phú Ðường luật thông dụng hơn Phú cổ thể, có quy luật nhất định. Ðến năm 978 mới thi Tiến-sĩ bằng luật phú :

1 -Vần : Phú độc vận là chỉ có một vần, liên vận là dùng nhiều vần, phóng vận là tùy mình chọn vần.

2 - Luật bằng trắc : Cuối vế trên dùng vần bằng thì cuối vế dưới phải vần trắc.

3 - Cách đặt câu : Trong một bài phú liên vận cách đặt câu thường là :

Thoạt tiên vài bốn câu tứ tự (mỗi vế 4 chữ) hoặc bát tự (mỗi vế 8 chữ, chia làm hai đoạn bằng nhau). Thí dụ "Phú hỏng thi" của Tú Xương :

Tứ tự : Ðau quá đòn hằn,

Rát hơn lửa bỏng !

Tủi bút tủi nghiên,

Hổ lều hổ chõng !

Bát tự : Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao lâu,

Hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng (= thuyền chở khách đi chơi).

Rồi đến 4 câu song quan, mỗi vế có 6,7 hay 8, 9 chữ. Thí dụ :

Năm vua Thành-Thái mười hai,

Lại mở khoa thi Mỹ-trọng.

Sau đó vài câu cách cú, mỗi vế có hai đoạn :

Thầy chắc hẳn văn chương có mực, lễ thánh thăm giò,

Cô mừng thầm mũ áo đến tay, gập người đoán mộng.

hoặc gối hạc , mỗi vế có 3 đoạn (trích Nguyễn Công Trứ, "Hàn Nho phong vị phú") :

Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu ;

Khăn lau giắt đỏ lòm, giải làm chiếu vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú.

- Có khi cả bài đều đặt câu 4 chữ gọi là Phú tứ tự.

4 - Bố cục. Cách sắp đặt các đoạn mạch trong bài phú :

a - Lung là đoạn mở bài nói bao quát cả ý nghĩa đầu bài.

b - Biện nguyên : nói rõ ý đầu bài, nguyên ủy, gốc tích.

c - Thích thực : giải thích rõ ý nghĩa đầu bài.

d - Phu diễn : bầy tỏ cho rộng ý đầu bài.

e - Nghị luận : bàn bạc về ý nghĩa đầu bài.

f - Kết : thắt lại ý đầu bài (11).

Làm bài phải tôn trọng niêm luật, quy tắc, lộ tư tưởng cao viễn song thận trọng, lời đanh thép mà khiêm tốn, không quên tán tụng đương triều.
 
 

III - CHIẾU - CHẾ - BIỂU

A - Ðịnh nghĩa

Chiếu là lời vua ban cho thần dân hiểu biết hiệu lệnh.

Chế là lời vua ban khen (12).

Biểu là lời thần dân dâng lên vua để bầy tỏ điều gì. Hạ biểu là để chúc mừng, tạ biểu để tạ ơn được phong thưởng.

B - Ðề mục - Văn bài

Ðề mục : Chiếu của vua đời Ðường nói về một việc gì

Biểu của một bề tôi đời Tống nhân một việc gì.

Văn bài : Làm bài phải theo địa vị người nói mà viết cho đúng giọng, phải nêu rõ tính cách lịch sử và thời gian. "Chiếu" thay lời vua thì phải có giọng nghiêm trang, đĩnh đạc, "biểu" thay lời bề tôi, văn phải cung kính, thù phụng.

C - Thể loại

Có hai loại :

1 - Cổ thể: đã có từ xưa, văn xuôi, không luật.

2 - Cận thể / Tứ lục. Có từ đời Ðường, mỗi câu chia làm 2 phần : trên 4 chữ, dưới 6 chữ hay ngược lại, vì thế gọi là "tứ lục".

- Có niêm : 2 chữ cuối câu phải cùng một vần bằng hay cùng một vần trắc, thí dụ :

Sớm chiều lo sợ, một lòng kính cẩn ban đầu,

Công việc thi hành, trăm mối tính lo cất nhắc.

Chiếu của Minh-Mệnh khuyên thần dân vào đầu năm (13).

- Có đối : cứ 2 câu phải đối nhau.

Thể "tứ lục" còn dùng để làm :

Sắc là lời vua phong ;

Cáo là lời vua tuyên bố kết quả một công việc ;

Hịch là lời vua, hay tướng, khuyến khích tướng sĩ hoặc kể tội kẻ thù ;

Trướng là văn chúc tụng vào dịp thăng quan, thượng thọ vv.

- Nhận xét :

Ở Trung quốc: Thể "tứ lục" có từ đời Hán, đến đời Ðường mới thành luật, đối chọi, hoa mỹ, đời Tống hơi kém, các đời Nguyên, Minh, tư tưởng không hàm súc bằng đời Ðường, thể cách không hùng hồn bằng đời Tống.

Ở Việt-Nam: Ðời Hồng-đức, có nhiều câu xuất sắc, đại ý bố cục có khí phách. Ðời Lê Trung Hưng thiên về lối phù phiếm, lãng mạn, ưa chuộng cầu kỳ, đối chọi từng câu cho hoa mỹ.
 
 

IV - VĂN SÁCH

Văn sách là môn thi quan trọng nhất của mỗi khoa.

A - Ðịnh nghĩa

Sách có nghĩa là mưu kế, hoạch định. Thi văn sách khởi đầu từ đời Hán, vua vời sĩ tử vào sân đình hỏi kế sách, mưu lược trị nước.

Sách còn là thẻ tre. Ðời Hán có lệ viết những câu hỏi vào thẻ tre treo lên, sĩ tử ở xa bắn trúng thẻ nào thì giải đáp câu hỏi của thẻ ấy, gọi là xạ sách (14).

B - Ðề mục

Ðề mục văn sách thường hỏi về chính trị, quân sự, trách nhiệm của vua quan, phép sử dụng nhân tài, tác dụng của học hành, giáo hóa vv.

Ðề mục gồm hai phần :

a - Cổ văn hỏi các điển tích trong kinh sử thời xưa ;

b - Kim văn hỏi tình thế đương thời so với đời xưa.

Ðề mục có hai loại :

a - Văn sách đạo : đầu bài ngắn, hỏi riêng từng việc trong lịch sử, mỗi câu hỏi là một "đạo". Có thể có tới 10, 12 đạo.

b - Văn sách mục : đầu đề dài, có tới 30 câu hỏi về một hay nhiều vấn đề. Trước hết hỏi một câu bao quát ý nghĩa đầu bài, dưới dẫn Kinh Truyện, lịch sử, có liên hệ đến đề mục mà hỏi, cuối cùng vài câu thời sự cũng thuộc đề mục ấy.

Bình thường sĩ tử phải chép đầu đề vào quyển thi, song vì đề văn sách quá dài nên có khi được miễn. Năm1835, vua dụ :"Thi Hương, thi Hội đầu bài từ 300 đến 500 chữ trở lên, trong khi ngày giờ bị hạn chế mà phải chép lại đầu bài là một việc thừa, dù tài giỏi mấy cũng không phô bầy, phát huy được hết tài hoa ấp ủ. Bắt đầu từ nay, giấy đầu bài văn sách cấp cho, bất tất phải sao chép. Khi nộp quyển, nộp cả giấy đầu bài để kiểm xét" (15).

C - Phép làm bài

1 - Ở Trung quốc có 2 thể:

a - Ðối sách / Chế sách là đầu bài hỏi nguồn gốc trị loạn cổ kim, chính sự hay hay dở đang được thi hành. Học trò lấy kiến thức của mình mà đối đáp.

b - Xạ sách / Thi sách là khi những người ở quận quốc được cử lên, do thiên tử hay quan Thái thượng bộ Lễ, ra đầu bài hỏi về đại nghĩa. Học trò chuyên học Kinh nào thì theo sở học mà đối đáp, chỉ cốt nhớ những điều được truyền thụ.

Ðời Minh về sau mới hợp nhà Học, nhà Hiệu và Khoa cử làm một. Thi Ðình kiêm cả lối đối sách xạ sách để cho những người học chuyên Kinh học rộng ra, không đến nỗi quá phù phiếm.

2- Ở Việt-Nam :

a - Thời Hậu Lê : Ðời Hồng-đức hỏi một cách bao hàm rộng rãi, lấy được nhiều người tài giỏi, học quán xuyến cổ kim. Từ đời Quang-hưng (1578-99) trở đi, chuyên hỏi những câu dài, hiểm hóc. Trong một bài "Thi sách" có đến vài mươi mục, mỗi mục có 3, 4 đoạn, gọi là "Văn mục". Người đối sách chỉ cốt nhớ văn cũ, không thể bình luận, tỏ cái sở học của mình.

Phạm Ðình Hổ viết trong Vũ Trung Tùy Bút :"Gần đây, đầu bài văn sách chuyên hỏi về một mục, dài thì vài mươi đoạn, ngắn thì hơn mười đoạn, chỉ đem những nghĩa vặt trong Kinh Truyện, sử sách rồi hỏi vặn vẹo, gọi là "án sách". Kẻ đối sách cần đọc kỹ đầu bài để nhận ra những mẹo bí hiểm trong câu hỏi ngoắt ngoéo, trả lời trúng ý khảo quan là được, còn ý nghĩa tinh vi của cổ nhân thì không xét đến. Vì vậy ít kẻ chính trực đỗ đạt" (16).

Làm bài phải cãi lại đầu bài : đầu bài ra giọng chê thì mình phải khen, đầu bài khen thì mình phải chê. Nói chung thì khen cổ nhân và chê hậu nhân, theo câu :

Ðường (Ðào Ðường của vua Nghiêu), Ngu (vua Thuấn), Tam đại (Hạ, Thương, Chu) thì khen

Hán, Ðường trở xuống thì lèn cho đau ! (17)

b - Thời nhà Nguyễn cũng rập theo khuôn mẫu nhà Lê Trung Hưng. Làm Cổ văn phải thích rộng ra, dẫn chứng gẫy gọn, làm Kim văn bầy tỏ ý kiến, mưu hoạch thực dụng, biện luận dẫn chứng.

Phải đọc kỹ đầu đề để nhận ra những chỗ hỏi mẹo mà tránh.

Năm 1832, định lệ đề ra độ 300 chữ thì bài làm phải khoảng 1000 chữ.
 
 

CHÚ THÍCH

1 - P.T. Ngữ, Giản Ước Tân Biên, I, tr. 80 - D.Q. Hàm, Văn Học Sử Yếu, tr. 98.

2 - Chu Thiên, Bút Nghiên, tr. 94, 133, 139-40.

3 - Minh Mệnh Chính Yếu, II, tr. 265.

4 - Minh Mệnh..., II, tr. 227 - P.Ð. Hổ, VTTB, tr. 160.

5 - Thực Lục, IX, 196-7.

6 - N.H. Lê, Cổ Văn, tr. 101-11.

7 - KVTL, tr. 93.

8 - Bút Nghiên, tr. 92-3 - Ðăng Khoa Lục Sưu Giảng, tr. 78, chép là "Quan đề tự vi vận".

9 - Trung Quốc Sử Cương, tr. 153.

10 - Khoa Mục Chí, tr. 9.

11 - D.Q. Hàm, Văn Học Sử Yếu, tr. 142-4.

12 - Huy Hoàng : "Võ Tắc Thiên bắt kiêng chữ chiếu là tên mình, đổi gọi là chế ", TBCN, số 185, 28/11/1943.

13 - D.Q. Hàm, Văn Học Sử Yếu, tr. 100-1.

14 - P.T. Ngữ, Giản Ước Tân Biên, I, tr. 81.

15 - Thực Lục, XVI, tr. 275.

16 - P.Ð. Hổ, VTTB, tr. 166-70.

17 - Lều Chõng, tr. 145.
 


 [  Trở Về   ]
KINH NGHĨA
Ðầu bài : Mẹ ơi ! con muốn lấy chồng.

Phá đề - Nói nhỏ tình riêng cùng mẹ, muốn sao muốn khéo lạ lùng thay !

Thừa đề - Phù, lấy chồng chi sự, ai chẳng muốn vậy, nãi muốn nhi chi ư nói với mẹ, muốn sao muốn gớm muốn ghê, gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao !

Khởi giảng - Tưởng khi năn nỉ cùng mẹ rằng :

Nhất âm nhất dương : nãi thiên địa cổ kim chi đạo mà nghi gia nghi thất, thực thế gian duyên kiếp chi thường. Sa chân bước xuống cõi phù sinh, đố ai giữ được tiếng trinh trên đời. Buồn mình lại nghĩ duyên mình, nay con xin kể tâm tình mẹ hay.

Khai giảng - Con nghĩ rằng xuân xanh thấm thoắt, người ta như có lứa chi măng ; phỏng hôn giá chi cập thời tức chồng loan vợ phượng chi duyên, cũng quang thái ư môn mi chi rạng rỡ.

Con luống sao tơ đỏ nh" nhàng, phận những chịu long đanh chi ván ; ngẫm thanh xuân chi bất tái, tức chớp bể mưa nguồn chi hội, cũng buồn tênh ư mai xiếu chi lơ thơ.

Hoàn đề - Sự này mẹ đã hay chưa ? Nay con luống những ngẩn ngơ về chồng.

Trung cổ - Kìa những kẻ son phai phấn nhạt, cuộc phong trần luống đã chán chường xuân. Nay con lấy mặt hoa mày liễu chi dung nghi chính đương độ tuần rầm chi bóng nguyệt ; bởi vì ai dở dang phận bạc, dịp chưa thông ả Chức chi Ô kiều. Khắc khoải rồng mây, lược không muốn chải ; khát khao cá nước, gương chẳng muốn soi. Ðêm thanh tơ tưởng khách thừa lương, chăn phỉ thúy suốt năm canh trằn trọc. Ngồi với bóng lại thở than với bóng : mẹ ơi ! con muốn đem ông Trời xuống cõi trần, hỏi xem duyên có nợ nần chi không ?

Kìa những kẻ liễu yếu đào thơ, tình vân vũ hãy còn e ấp nguyệt. Nay con lấy sắc nước hương trời chi phẩm giá, đã ngoài vòng đôi tám chi xuân xanh ; bởi vì ai ngăn đón gíó đông, đàn chưa gẩy chàng Tương chi Hoàng khúc. Ước ao sứ điệp, phấn chẳng muốn tô ; mong mỏi tin ong, vòng không muốn chuốt. Ngày vắng mơ mòng duyên bốc phượng, gối uyên ương thâu sáu khắc bồi hồi. Buồn vì thu ngao ngán vì thu : mẹ ơi ! con muốn đem một sợi chỉ đào, để cho ông Nguyệt xe vào cho con.

Hậu cổ - Mẹ chẳng xem : trên trời chim kia chi liền cánh, dưới đất cây nọ chi liền cành ; cảnh vật ấy còn đèo bòng ân ái. Nay con tủi là thân bồ liễu, giữ đầu xanh ấp một buồng không. Nào người tích lục, nào kẻ tham hồng, biết cùng ai mà phỉ nguyền tác hợp ? Mẹ ơi ! Có chồng kẻ đón người đưa, không chồng đi sớm về trưa mặc lòng. Bực mình lại ngán cho mình, tình cảnh ấy mẹ hay chăng tá ?

Mẹ chẳng xem : Bắc-lý kẻ nọ chi nghênh thê, Nam-lân người kia chi tống nữ ; người ta từng náo nức đông tây. Nay con hổ là phận thuyền quyên, mang má phấn nằm trong mệnh bạc. Nào kẻ tương tri, nào người tương thức, biết cùng ai mà kết giải đồng tâm ? Mẹ ơi ! Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng, chăn loan đệm quế không chồng cũng hư. Tủi phận mà than với phận, tâm sự này mẹ rõ cho chưa ?

Kết cổ - Sau dẫu tơ đào lá thắm, sự chắp nối kia bởi tại trăng già.

Song le chỉ Tấn, tơ Tần, việc gả bán chẳng qua lòng mẹ.

Thúc đề - Mẹ nghĩ sao ?

Lê Quý Ðôn, Vân Ðài Loại Ngữ
Dương Quảng Hàm, Việt-Nam Văn Học Sử Yếu
 
THƠ CỔ PHONG

(Trích Dương Quảng Hàm, Văn Học Việt-Nam)


NGŨ NGÔN BÁT CÚ

Ðêm mùa hạ

Tháng tư đầu mùa hạ,

Tiết trời thực oi ả !

Tiếng dế kêu thiết tha,

Ðàn muỗi bay lả tả.

Nỗi ấy biết cùng ai ?

Cảnh này buồn cả dạ !

Biếng nhắp năm canh chầy,

Gà đà sớm giục giã.

Nguyễn Khuyến

 
THẤT NGÔN LIÊN VẬN

Cảnh tạo hóa

Ðá xanh như nhuộm, nước như lọc,

Cỏ cây hoa lá đều như vóc.

Trời quang, mây tạnh, gió hiu hiu,

Ai thấy cảnh này mà chẳng yêu ?

Mới biết hóa công tay khéo vẽ,

Không mực, không thước mà đủ vẻ.

Tay người điểm xuyết ra nước non,

Bể cạn, non bộ nhỏ con con.

Sao bằng tiêu dao cùng tạo hóa,

Bốn mùa phong cảnh thật không giả.


Vô Danh

 
PHÚ CỔ THI

Thiệp giang

(Qua sông)

(...) Sớm mai ta sẽ vượt sông Thương.

Ðứng bến ngọc mà quay đầu trông lại hề,

Ào ào nổi tiếng gió chi bi thương.

Ruổi ngựa ta hề chốn Sơn cao,

Ðậu xe ta hề đất Phương-lâm.

Bơi chiếc thuyền hề lên sông nguyên,

Ðều tay chèo hề sóng vỗ rầm.

Thuyền lững thững mà không đi hề,

Nước chẩy quanh nên khó sang.

Sớm đi từ Uổng-chử hề,

Chiều nằm ở Thần-thang.

Nếu bụng ta chi ngay thẳng hề,

Dù xa quạnh có hà phương.

Vào bến Tự ta còn dùng dằng hề,

Ta chưa biết ở vào đâu.

Rừng sâu thẳm chi tối mò hề,

Toàn là hang vượn cùng hang hầu.

Núi cao vọi chi ngất trời hề,

Dưới ũm thũm mà mưa dầu.

Tuyết tơi bời chi khắp gần xa hề,

Mây đùn đùn mà kéo mau.

Thương cái sống của ta chi buồn bực hề,

Một mình ở trong núi sâu.

Ta không hay đổi lòng mà theo tục hề,

Ðành ta trọn đời mà ôm sầu.

Kìa Tang-hộ (1) còn phải đi Trần hề,

Tiệp-dư (2) còn phải tội gọt đầu.

Người trung đã chắc gì được dùng hề,

Người hiền đã hẳn gì ai cầu.

Người xưa mà như thế hề,

Ta còn oán gì người sau ?

Ta cứ vững một lòng giữ đạo hề,

Thôi chẳng quản gì buồn rầu !

Khuất Nguyên, Ly tao

Phan Kế Bính dịch

Dương Quảng Hàm, Việt-Nam Văn Học Sử Yếu

(1) (2) Tang-hộ và Tiệp-dư là hai người hiền đời xưa.


 
Phú hỏng thi khoa Canh Tý (1900)

Ðau quá đòn hằn,

Rát hơn lửa bỏng !

Tủi bút tủi nghiên,

Hổ lều hổ chõng !

Nghĩ đến chữ "nam nhi đắc chí" thêm nỗi thẹn thùng,

Ngẫm đến câu "quyển thổ trùng laì" (1), nói ra ngập ngọng.

Có một thầy :

Dốt chẳng dốt nào, nhưng hay chữ lỏng.

Nghiện chè nghiện rượu, nghiện cả cao lâu,

Hay hát hay chơi, hay nghề xuống lõng (2).

Thói nhà phong vận, áo hàng Tầu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn (3) xanh,

Ra phố sênh sang, quần Tố nữ, bít tất tơ, giầy Gia-định bóng.

Ví phỏng chăm nghề nghiên bút thì mười ba, mười bẩy đỗ tự bao giờ !

Những là mải việc chơi bời mà một tuổi một già hóa ra lóng đóng.

Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ, nổi tiếng tài hoa,

Con nhà dòng ở đất Vị-Xuyên, ăn phần cảnh nọng (4).

Năm vua Thành-Thái mười hai, lại mở khoa thi Mỹ-trọng,

Quyển đệ tam viết đã xong rồi, bảng đệ tứ chưa ra còn ngóng.

Thầy chắc hẳn văn chương đúng mực, lễ thánh xem giò (5),

Cô mừng thầm mũ áo đến tay, gập người đoán mộng.

Ngày đi lễ Phật, còn kỳ này, kỳ nữa là xong,

Ðêm dậy vái Trời, qua mồng bốn, mồng năm cho chóng.

Nào ngờ :

Bảng nhỏ thấy tên,

Ngoại hàm còn trống.
Kẻ đến sáng văn còn được chấm, biển cót nghênh ngang,

Người ngồi khuya tên hãy được vào, áo dài lụng thụng.

Thi là thế, sự tình là thế, hở chuyện cùng ai ?

Người một nơi, hồn phách một nơi, than thân với bóng !

Thôi thì thôi :

Sách vở mập mờ,

Văn chương lóng ngóng.

Khoa trước đã chầy,

Khoa sau hẳn chóng.

Ý sẵn kẻ lo toan việc nước, vua chửa dùng hiền,

Hay thiếu người dậy dỗ đàn em, Trời còn bắt hỏng !

Tú Xương (6)

CHÚ THÍCH

1 - Theo Bảo Vân, trong Yên Ðổ, Tú Xương thì Quyển thổ trùng lai lấy từ thơ Ðỗ Mục đời Ðường :

"Giang-đông đệ tử đa tài tuấn" (con em ở Giang đông nhiều người tài giỏi)

"Quyển thổ trùng lai vị khả tri" (nếu biết dốc hết lực lượng quật lại thì chưa biết cục diện sẽ ra sao).

2 - Lõng = thuyền nhẹ để chở khách đi chơi trên sông, theo Dương Quảng Hàm và Bảo Vân.

Có chỗ chép là "Lọng", tức "hàng Lọng", chỉ xóm cô đầu.

3 - Lục soạn = lụa trơn, không có hoa.

4 - Cảnh nọng = khoanh thịt cắt ở cổ trâu bò hay lợn, phần dành cho những người chức tước cao nhất trong làng khi chia phần cũng tế.

5 - Lễ thánh xem giò = dùng chân gà luộc để đoán xem may hay rủi.

6 - Tú Xương (1870-1907) cũng gọi là Trần Tế / Kế Xương, chính tên là Trần Duy Uyên, người đất Vị-xuyên, Nam-định. Ði thi tám khoa mà chỉ đỗ có một lần Tú tài đội bảng (1894). Rất nổi tiếng về thơ Nôm, linh hoạt, đượm trào phúng, mỉa mai, đôi khi chua cay. Tiếc rằng không ghi chép lại thành tập nên thất truyền nhiều.
 
 

CHIẾU
Bài chiếu truyền ngôi cúa Lý Chiêu Hoàng
(Bản dịch)

Từ xưa các đấng đế vương nước Nam Việt đã có cai trị thiên hạ.

Nhà Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn bể các vị thánh vương nối nhau hơn hai trăm năm. Không ngờ đức Thượng hoàng mắc bệnh, chẳng có người nào nối dõi, thế nước sắp bị nghiêng đổ, ngài mới sai trẫm vâng tờ chiếu chỉ, gượng lên ngôi vua, thật là từ xưa đến nay chưa có bao giờ như thế.

Than ôi, trẫm là một vị chúa gái, tài đức đã kém, giúp đ" không có ai, trộm giặc nổi lên như ong, giữ gìn sao nổi một vật quá nặng là "đồ thần" đó ?

Trẫm những sớm dậy khuya ngủ, chỉ sợ gánh vác không nổi, những muốn tìm bậc hiền nhân quân tử, cùng giúp chính trị. Sớm khuya trẫm vẫn canh cánh nghĩ về chỗ đó.

Kinh Thi có nói :

"Người quân tử tìm bạn tốt đôi,

Tìm mà chẳng được bùi ngùi nhớ mong,

Man mác trong lòng..."

Nay trẫm tính đi tính lại một mình, chỉ được Trần Cảnh "văn chất r" ràng" thật là đấng hiền nhân quân tử : dáng điệu tơi tả, rõ ra trang "văn vũ thánh thần", dẫu vua Cao Tổ nhà Hán, vua Thái Tông nhà Ðường cũng không hơn gì. Trẫm đã hôm mai nghĩ kỹ, nghiệm xét từ lâu, có thể nhường cho ngôi cả, để yên lòng trời, để vừa bụng trẫm. Ngõ hầu giốc lòng gắng sức, cùng phò ngôi nước, để hưởng cái phúc thái bình.

Vậy nay bảo khắp gầm trời, đều cho nghe biết.

Ngô Tất Tố, Văn Học Ðời Lý
 
VĂN SÁCH

VẤN SÁCH (CÂU HỎI) :

Vấn : "Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen".

Truyện rằng :"Chẳng tham ruộng cả ao liền, tham về cái bút cái nghiên anh đồ".

Kim khảo (1) : "Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm". Tằng kiến (2) ư thiên vạn nữ nhi chi nghị ; bất tri hà sở thủ ư anh đồ, nhi quyến luyến nhược thị (3) dư ?

Thí vị (4) trần chi, dĩ quan xuân hoài tình tự.

BÀI LÀM

Em trộm nghe : Sen ngó đào tơ, may gập hội hôn nhân chi phải lứa ; chả chim cơm trắng, vẫn là mong giải cấu (5) chi tốt đôi ; chọn mặt gửi vàng, dẫu ý ai cũng vậy.

Nay vâng lời sách hỏi, xin lược bầy ra.

Thiết nghĩ rằng : Rồng bay còn đợi đám mây, bắn bình tước (6) phải đợi tay anh hùng. Lấy chúng em chi má đỏ hồng hồng, răng đen nhưng nhức, chẳng những muốn cô tú, dì nho chi dự, vẫn là mong chồng loan, vợ phụng chi chung tình. Nếu mà cú đậu cành mai, thì công trang điểm chẳng hoài lắm ru ? Vậy nên sớm gửi tơ duyên, ai là chẳng ngọc đá vàng thau chi lựa lọc ?

Nay xét phương ngôn, chị em bạn gái nói chuyện rằng :

"Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham về cái bút cái nghiên anh đồ".

Nên trộm nghĩ rằng : Ngọc còn đợi giá, vàng chẳng lộn thau. Cây gỗ lim chìm, quyết chẳng n" mang làm cọc giậu, hoa đào tươi tốt, hẳn không đem bán cho lái buôn. Cam đường với quả quýt hôi, cũng cân nhắc ba đồng một, một đồng đôi chi giá.

Thử ngó coi : Ruộng sâu ao cả, chàng nông kia chi trọc phú (7) những khoe giầu, song Vương Khải, Thạch Sùng đã từng đấu phú (8), rồi cũng giương mắt ếch ư của đời người thế chi thu.

Nghiên ruộng bút cầy, anh đồ nọ chi đa văn (9) không ngại khó ; kìa Mãi Thần, Mông Chính có lẽ tràng bần (10), rồi cũng bổng cánh hồng ư bĩ cực thái lai chi hội.

"Nông nhì sĩ nhất", lẽ ấy đã rành.

Vả : Chân lấm tay bùn, chàng nông nãi vũ phu chi cục mịch, lấy yếm thắm giải đào chi tha thướt, giá thể mà mang bầu xách lọ, sao cho cam hạt ngọc để ngâu vầy.

Miệng vàng dạ gấm (11), anh đồ thị quân tử chi ung dung, lấy môi son má phấn chi nhởn nhơ, giá thể mà sửa túi nâng khăn, thì mới đáng cành ngô cho phượng đậu.

Vậy có thơ rằng :

Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng,
Chẳng bằng kinh sử một vài pho.

Lại có thơ rằng :

Gươm trời chi để tay phàm tuốt,
Búa nguyệt (12) sao cho đứa tục mài ?

Vả : Tiếng tăm con gái, nết na học trò, nên em nghĩ duyên em, em nghĩ tình em, lại tưởng đến anh đồ chi sự nghiệp : Ðèn xanh một ngọn, án tuyết ân cần ; quyển vàng mấy pho, cửa huỳnh (13) gióng giả.

Còn trong trần lụy, anh đồ là vị vũ chi giao long, may khoa thi mà kim bảng (14) đề danh, tức hôm nọ chi hàn nho, mà hôm nay đã Bảng-nh"n, Thám-hoa (15) chi đài các. Em phỏng có duyên ưa lá thắm, thì trước voi anh, sau võng thiếp, cũng thỏa đời ư võng lọng chi nghênh ngang.

Ðương thuở hàn vi, anh đồ là tại sơn chi hổ báo, gập vận thái mà thanh vân đắc lộ, tức bữa tê chi tiện sĩ, mà bữa ni đã Thượng-Thư, Ðô-Ðốc chi phong lưu. Em phỏng như phận đẹp chỉ hồng, thì anh quan cả, thiếp hầu bà, cũng sướng kiếp ư ngựa xe chi đủng đỉnh !

Huống chi : Kinh sử lầu thông, anh đồ chi tài học, đã sẵn tay kinh tế ; tuy có dài lưng tốn vải, bấy giờ đã đai vàng áo gấm chi bảnh bao.

Tài năng rất mực, anh đồ chi duyên phận, gập được lúc long vân ; dẫu có ăn no lại nằm, bấy giờ đã cơm chúa võng đào chi chĩnh chện.

Gương trời vằng vặc, sáng soi nhà vàng gác tía chi linh lung.

Lộc nước liên miên, súc tích gấm cuốn vàng cân chi ban cấp.

Như thế thì : Chồng quan sang, vợ hầu đẹp, ai chẳng khen nhất thế chi thần tiên ? Danh phận cả, bổng lộc nhiều, thế mới thỏa tam sinh chi hương hỏa. Khởi vô sở thủ ư anh đồ tai (16) ?

Vậy nên : Yếm trắng nước hồ, vã đi vã lại, chỉ mong anh nho sĩ chi yêu đương. Miệng ong lư"i én, uốn ngược uốn xuôi, cũng mặc giọng thế gian chi mai mỉa.

Em nay : Tuổi mới giăng tròn, tiết hoa vừa nở. Vâng lời sách hỏi, giãi hết niềm đơn (17).

Em cẩn đối.

Lê Quý Ðôn, Vân Ðài Loại Ngữ
Dương Quảng Hàm, Việt-Nam Thi Văn Hợp Tuyển
 
CHÚ THÍCH

1 - Kim khảo = nay xét ra.

2 - Tằng kiến = từng thấy.

3 - Nhược thị = như thế.

4 - Thí vị... tình tự = thử bầy tỏ tình tự nhớ xuân.

5 - Giải cấu = gập g" tình duyên.

6 - Bắn bình tước = vẽ ba con chim sẻ vào bình phong đánh số tượng trưng ba cô gái, ba cậu rể bắn được con nào thì lấy cô ấy (điển xuất Ðường Cao Tổ).

7 - Trọc phú = giầu mà bẩn.

8 - Ðấu phú = đua giầu.

9 - Ða văn = nhiều chữ.

10 - Tràng bần = nghèo mãi.

11 - Cẩm tâm tú khẩu = nói văn hay như thêu như gấm.

12 - Búa nguyệt = cái búa hình trăng lư"i liềm.

13 - Huỳnh = đom đóm.

14 - Kim bảng = bảng vàng.

15 - Thi Ðình thì Bảng-nhãn là người đỗ thứ hai, Thám-hoa là người đỗ thứ ba, ý nói người đỗ cao.

16 - Nhẽ đâu anh đồ không có điều gì hay, đáng khen ư ?

17 - Niềm đơn = lòng đỏ (niềm = lòng ; đơn = son).



 [  Trở Về   ]